(Baodautu.vn) Cho vay tiêu dùng đang là chiến lược chính của nhiều ngân hàng. Nhưng không phải ngân hàng nào cũng thành công, mà ngược lại, có thể mang vạ vì rủi ro nợ xấu tăng cao.
Miếng bánh ngon thời tín dụng khó
Trong bối cảnh tín dụng gần như đóng băng, lĩnh vực được ngân hàng chú trọng nhất là tín dụng tiêu dùng. Báo cáo khảo sát ngân hàng do Công ty Kiểm toán EY vừa công bố cho thấy, lĩnh vực lạc quan nhất với các ngân hàng Việt Nam hiện là bán lẻ, cho vay tiêu dùng.
![]() |
||
Không phải ngân hàng nào cũng thành công với cho vay tiêu dùng, mà còn có thể mang vạ vì rủi ro nợ xấu tăng cao |
Thị trường Việt Nam với dân số trên 90 triệu người, sức chi tiêu khá mạnh đang là mảnh đất hấp dẫn với các ngân hàng và công ty cho vay tiêu dùng. Ông Friedrich Weiss, Chủ tịch Hội đồng thành viên Home Credit Việt Nam cho rằng, tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam vẫn còn rất lớn.
“Tất cả mới bắt đầu. Việt Nam chỉ hơn Lào và Campuchia ở khu vực châu Á về vay tiêu dùng. Tuy nhiên, xu hướng đang thay đổi. Giới trẻ Việt Nam, cũng như giới trẻ Thái Lan đã sẵn sàng vay tiền để chi tiêu. Xu hướng này cũng sẽ kích thích nền kinh tế phát triển”, ông nói.
Số liệu của Công ty Truyền thông tài chính StoxPlus cho thấy, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam năm 2013 tăng trưởng 12%.
Trên thực tế, tuy mới vào Việt Nam hơn 7 năm, nhưng Home Credit đã nổi lên thành hiện tượng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Home Credit đã thu lợi nhuận trên 20 triệu USD, dự kiến cả năm nay lợi nhuận sẽ đạt 40 triệu USD, tương đương trên 800 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận đạt trên 20%). Con số này vượt xa nhiều ngân hàng thương mại tầm trung ở Việt Nam.
Sự béo bở của miếng bánh cho vay tiêu dùng cũng là lý do khiến các ngân hàng ồ ạt thâu tóm công ty tài chính để phát triển mảng bán lẻ thời gian qua. Cụ thể, quý II/2014, MaritimeBank mua lại 64,1% cổ phần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tại Công ty Tài chính dệt may. Mới đây nhất, VPBank đã mua lại 100% vốn Công ty TNHH một thành viên Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam...
Hiện nay, hầu hết ngân hàng đều phát triển mảng bán lẻ và cho đây là chiến lược chính trong tương lai. Tuy nhiên, theo ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách dịch vụ tài chính, ngân hàng của EY khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kết quả khảo sát của EY cho thấy, các ngân hàng Việt Nam không chiếm được thị phần tuyệt đối về mảng bán lẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Chúng tôi không đứng ngoài xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, nhưng không quá chú trọng cho vay tiêu dùng. Vì cho vay tiêu dùng muốn phát triển nhanh, phải cho vay tín chấp, nghĩa là phải có đội ngũ nhân viên lớn, chuyên nghiệp và có hệ thống quản lý rủi ro tốt nếu không nợ xấu sẽ tăng chóng mặt”.
Ngân hàng nội khó thắng đối thủ ngoại
Trước làn sóng ngân hàng ồ ạt thâu tóm các công ty tài chính để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, ông Friedrich Weiss cho rằng, không phải cứ thâu tóm công ty tài chính là ngân hàng có thể phát triển mảng bán lẻ.
“Tôi không sợ cạnh tranh với các đối thủ, vì tôi chứng kiến ở châu Âu cách đây nhiều năm, các ngân hàng nhảy vào cho vay tiêu dùng, nhưng vài ba năm sau họ đã thất bại, bởi chúng tôi có 2 cốt lõi mà các ngân hàng khác rất khó bắt chước. Thứ nhất, hệ thống thẩm định cho vay, hệ thống kỹ thuật đòi nợ, duyệt hồ sơ vay hoàn toàn tự động. Thứ hai, cách thức quản trị rủi ro của công ty cho vay tiêu dùng không giống ngân hàng. Chúng tôi đã có lịch sử 20 năm xây dựng các hệ thống trên. Ngân hàng muốn phát triển như chúng tôi sẽ phải mất 5 - 6 năm, chứ không phải cứ nhảy vào thị trường là được”.
Theo Chủ tịch thành viên Home Credit, ngân hàng Việt Nam phát triển chậm hơn 40 năm so với các ngân hàng thế giới, thiếu rất nhiều sản phẩm cơ bản. Vị doanh nhân này cũng cho rằng, các đối thủ đáng nói trên thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay chỉ có VPBank, HDBank, các đối thủ còn lại phần lớn đều không mạnh về cho vay tiêu dùng.
TS. Cao Sĩ Kiêm, chuyên gia ngân hàng cho rằng, cho vay tiêu dùng là lĩnh vực mang lại lợi nhuận lớn, song rủi ro nợ xấu cũng rất cao.
Một khi chưa có được biện pháp quản lý rủi ro hữu hiệu, mở rộng cho vay tiêu dùng, nhất là cho vay tín chấp, là quyết định mạo hiểm với nhiều ngân hàng.
Hà Tâm
Theo Báo Đầu tư
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Hộ tái định cư được vay vốn trả nợ tiền sử dụng đất
- Địa ốc thêm nhiều thông tin ảm đạm
- “Băm nát” làng đại học Đà Nẵng
- Doanh nghiệp đề xuất chống bán phá giá bất động sản
- Không cho phép tách, nhập thửa trong Khu Di tích lịch sử - Làng văn hóa K20
- 'Bất động sản sẽ hồi sinh vào cuối 2013'
- Đà Nẵng xóa quy hoạch sân golf Đa Phước
- “SĂN” NHÀ, ĐẤT GIÁ RẺ !
- Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch
- Nhân tố mới: Bóng hồng nơi xứ Quảng anh hùng
- Khó vay tiền quỹ phát triển nhà
- Chuyên gia hiến kế cứu 1 triệu tỷ đồng "chôn" ở bất động sản
- SAU 3 THÁNG THÍ ĐIỂM CẤP SỔ ĐỎ VỀ MỘT MỐI: THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN BẮT ĐẦU LỘ RÕ
- “Phá băng” bất động sản
- Khởi tố đối tượng làm giả giấy tờ đất
- TÍN DỤNG THỜI KHỐN KHÓ!
- Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản
- Ba giải pháp gỡ khó cho thị trường BĐS
- Công chứng viên phải giữ gìn đạo đức nghề nghiệp
- Sổ chủ quyền nhà đất và những cạm bẫy vô hình